92% sinh viên có công việc phù hợp ngay khi ra trường

Đại học Kinh tế Quốc dân: Giảng viên và sinh viên hài lòng với cơ chế mới

(TBTCO) - Sau khi thực hiện tự chủ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) đã áp dụng nhiều chính sách mới, nâng cao chất lượng đào tạo, chế độ đãi ngộ với người lao động tốt hơn, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng thực tế, đảm bảo việc làm khi ra trường.

 

 Học sinh tham dự Ngày hội tư vấn nghề nghiệp tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Bùi Tư

Theo khảo sát của phóng viên TBTCVN, hầu hết các giảng viên và sinh viên của trường ĐHKTQD đều hài lòng khi Nhà trường áp dụng cơ chế tự chủ.

92% sinh viên có công việc phù hợp ngay khi ra trường

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐHKTQD cho biết, sau khi thực hiện tự chủ, Nhà trường đã đổi mới Chương trình đào tạo, chú trọng đến đào tạo kỹ năng thực hành, đảm bảo sinh viên ra trường có thể bắt kịp ngay với công việc. Nhà trường đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức cho sinh viên những chuyến tham quan thực tế, tập huấn kỹ năng mềm, tọa đàm với doanh nhân thành đạt... Theo một cuộc khảo sát năm 2016 của nhà trường thì trên 85% sinh viên tốt nghiệp có ngay được công việc phù hợp trong năm đầu tiên ra trường. Còn theo khảo sát của đoàn đánh giá từ Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học – Đại học Quốc gia thì con số lên tới 92%.

Ngoài ra, Nhà trường cũng quan tâm đến đào tạo kỹ năng ngoại ngữ và tin học cho sinh viên. Hiện nay, chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên là 5.5 IELTS, tới đây sẽ nâng lên 6.0 và tiến tới 6.5. Song song với đó, Nhà trường cũng sẽ tiến tới chuẩn hóa kỹ năng tin học quốc tế.

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tăng cường các hoạt động liên kết quốc tế, tham gia, hợp tác với các cơ sở đào tạo hàng đầu trên thế giới trong đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên và hợp tác đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đào tạo; phát triển mạng lưới cựu sinh viên hỗ trợ khởi nghiệp; tăng cường hoạt động tư vấn nghề nghiệp…

Giáo sư Đạt cho biết thêm, Nhà trường đã thực hiện hiệu quả các chế độ chính sách miễn, giảm học phí đối với sinh viên thuộc đối tượng chính sách, đồng thời có chính sách học bổng khuyến khích thu hút sinh viên tài năng, sinh viên nghèo, sinh viên có điều kiện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học giỏi. Trường đã trích lập Quỹ học bổng từ nguồn thu học phí, lãi từ tiền gửi ngân hàng từ học phí và nguồn thu sự nghiệp được bổ sung vào quỹ hỗ trợ sinh viên; huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân để trích lập quỹ hỗ trợ sinh viên hơn 50 tỷ đồng. Năm 2016, nhà trường đã trao 5 suất học bổng toàn phần trị giá 200 triệu và 2.574 suất học bổng với tổng số tiền là 7,08 tỷ đồng; miễn giảm học phí cho 533 trường hợp, trị giá 2,85 tỷ đồng (tổng cộng là đã chi hơn 7,4 tỷ đồng đồng cho học bổng và miễn giảm hơn 2 tỷ đồng tiền học phí cho sinh viên hệ chính quy).

“Năm học 2017-2018, Trường sẽ không tăng học phí. Đến năm 2020, học phí của Trường sẽ luôn dưới mức trần học phí cho phép của Chính phủ” Giáo sư Đạt nói./.

Chính sách đãi ngộ tốt hơn

Giảng viên Dương Công Doanh, Khoa Quản trị Kinh doanh cho biết “Các chính sách được ban hành trong nhà trường đều đã minh bạch, rõ ràng hơn, hướng trực tiếp tới người lao động cũng như người học. Chính sách đãi ngộ cũng tốt hơn, ví dụ tiền lương cơ bản thì vẫn tăng theo quy định của Nhà nước, nhưng thu nhập từ các khoản phụ cấp thì tăng lên, thưởng Tết, nghỉ hè cũng được tăng lên rõ rệt”.

Giảng viên Phùng Chí Cường – Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên đánh giá: Điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy đã tốt hơn rất nhiều, hầu hết các giảng đường đều được trang bị máy chiếu Projector, nhiều giảng đường đã được trang bị màn hình Led, tivi chất lượng cao để trình chiếu, điều hòa nhiệt độ…

Giảng viên Phùng Chí Cường bày tỏ, nguyện vọng của các giảng viên là nhà trường tiếp tục đổi mới theo đề án tự chủ. Theo đó, nhà trường được đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở thêm các mô hình đào tạo mới theo hướng liên thông quốc tế để cán bộ, giảng viên chủ động áp dụng các phương pháp đào tạo mới. Bên cạnh đó, nhà trường cũng được chủ động trong công tác tuyển dụng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm và sàng lọc để có đội ngũ cán bộ có năng lực tốt, phù hợp với cơ chế quản lý giảng viên và các nhà khoa học, không quá ràng buộc vào các qui định quản lý cán bộ công chức hành chính.

Em Đào Quang Khang, sinh viên lớp Marketing K55 cho biết, “Cuối mỗi kỳ học, sinh viên đều được tham gia đánh giá giảng viên và chương trình học. Trong đó có đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên. Bản thân em cũng từng có ý kiến góp ý cho một môn học, sau đó người bạn khóa sau cũng học môn học đó và nói rằng điều em góp ý đã được tiếp thu nên với lớp của bạn đó đã thấy hài lòng.”

Còn em Nông Bảo Trọng, sinh viên lớp Quản trị Chất lượng K55 nhận xét: “Chúng em còn được học bổng, miễn giảm học phí và một số bạn trong lớp em được hỗ trợ một phần chi phí học tập… nên em thấy mức thu và chi của nhà trường hiện nay là hợp lý. Nguyện vọng của chúng em là được thực hành và được học kĩ năng nhiều hơn. Trong thời gian học, chúng em cũng mong muốn nhà trường liên hệ với các doanh nghiệp để chúng em có cơ hội được làm thêm”./.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam online 

Chia sẽ tới:
Top